Mô hình nến Descent Block (Chặn Đà Giảm)

Mô hình nến tăng

Mô hình nến Descent Block (Chặn Đà Giảm)

Mô hình nến Descent Block (Chặn Đà Giảm)

Trong trường phái phân tích kỹ thuật, các nhà đầu tư vẫn thường hay nhầm lẫn giữa các mô hình có hình dạng giống nhau. Ngay cả một mô hình dự báo tăng giá vẫn có thể bị xem là một mô hình dự báo giá thị trường sẽ giảm mạnh. Điển hình là việc nhầm lẫn giữa mô hình nến Descent Block - mô hình tăng giá với mô hình nến Ba con quạ đen báo hiệu giảm giá. Hãy cùng Findustry tìm hiểu mô hình nến Descent Block lại bị nhầm lẫn với một mô hình giảm giá mạnh.

Mô hình nến Descent Block là gì ?

Mô hình nến Descent Block hay còn được gọi với một cái tên khác là mô hình nến Chặn Đà Giảm. Đây là một mô hình thường xuất hiện trong một xu hướng giảm và nó báo hiệu khả năng đảo chiều của thị trường trong thời gian sắp tới.

Mô hình nến Descent Block được tạo thành bởi bộ 3 cây nến giảm liên tiếp. Trong đó, nến đầu tiên là một nến giảm mạnh với thân nến dài và bóng nến dưới ngắn. Hai cây nến tiếp theo trong mô hình là hai nến giảm với thân nến ngắn dần và có bóng nến dài - nến Búa càng tốt. Mô hình này cho tín hiệu đảo chiều với mức độ tin cậy không cao và thường mang tính trung lập.

Hình ảnh về mô hình nến Bescent Block
Hình ảnh về mô hình nến Bescent Block

Đặc điểm nhận biết của mô hình nến Descent Block

Do mô hình nến Chặn Đà Giảm có hình dáng tương tự như mô hình nến Ba con quạ đen. Nên chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa hai mô hình này với nhau. Một mô hình nến được xem là mô hình nến Chặn đà giảm khi đáp ứng đủ các yếu tố sau:

  • Thị trường đang trong một xu hướng giảm hoặc điều chỉnh.
  • Mô hình nến gồm 3 nến giảm liên tiếp và giá đóng cửa ngày càng thấp.
  • Nến đầu tiên là một nến giảm với thân dài, bóng nến dưới ngắn.
  • Nến thứ hai là một nến giảm, thân ngắn hơn so với nến đầu tiên, bóng nến dưới dài.
  • Nến thứ hai có giá mở cửa nằm trong thân nến đầu tiên và đóng cửa thấp hơn so với nến đầu tiên.
  • Nến thứ ba là một nến giảm, thân ngắn hơn nến phiên trước đó, râu nến dài.
  • Nến thứ ba có giá mở cửa nằm trong thân nến thứ hai và đóng cửa thấp hơn nến thứ hai.
  • Giá thấp nhất của nến thứ ba cũng là giá thấp nhất của mô hình nến.

Khi đáp ứng đủ các yếu tố trên, mô hình nến sẽ được xem là nến Chặn đà giảm. Sự khác biệt giữa mô hình nến Chặn đà giảm và mô hình nến Ba con quạ đen là ở bóng nến bên dưới của nến hai và ba thường rất dài. Tại sao sự khác biệt này lại giúp mô hình Chặn đà giảm lại có khả năng giúp thị trường tăng giá trở lại? Chúng ta hãy cùng nhau phân tích tâm lý thị trường để làm rõ cho câu hỏi này.

Phân tích tâm lý trader

Tâm lý thị trường với mô hình nến Chặn Đà Giảm được diễn tả như sau:

Thị trường giảm giá đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan. Điều này được thể hiện qua một phiên giảm giá mạnh, thân nến dài với bóng nến dưới ngắn.

Phiên giao dịch tiếp theo (nến thứ hai), thị trường cho thấy tín hiệu tích cực khi mở cửa với một Gap tăng giá so với ngày giảm giá trước đó. Tuy nhiên, tâm lý thị trường chưa được cải thiện, giá lại giảm nhanh chóng và tạo thành đáy mới. Giá giảm mạnh đã hấp dẫn các nhà đầu tư bắt đáy. Một lực mua mới xuất hiện đã giúp thị trường hồi phục một phần. Thị trường đóng cửa với cây nến giảm, thân ngắn và bóng nến dưới khá dài.

Phiên giao dịch thứ ba cũng tương tự như ngày giao dịch trước đó. Thị trường mở cửa với một Gap tăng giá nhẹ so với giá đóng cửa ngày trước đó. Một lần nữa thị trường lại bắt đầu giảm giá và lực bắt đáy nhanh chóng làm thị trường tăng trở lại. Phiên giao dịch kết thúc với một nến giảm có thân rất ngắn và bóng nến dài.

Mô hình nến đã cho thấy lực bán ra trên thị trường rất lớn. Tuy nhiên, mỗi khi thị trường giảm mạnh lại xuất hiện các nhà đầu tư mua vào, nguồn cung này đã giúp thị trường giảm điểm ngày càng ít. Nhưng không có căn cứ nào cho thấy thị trường sẽ đảo chiều và tăng giá trở lại. Đây là lý do giải thích tại sao mô hình nến Chặn đà giảm lại có độ tin cậy không cao trong việc báo hiệu thị trường tăng giá.

Vậy có nên giao dịch với mô hình nến Chặn đà giảm hay không và giao dịch như thế nào? Chúng ta vẫn có thể giao dịch với mô hình nến này nhưng chỉ nên giao dịch với một vị thế nhỏ và phương pháp giao dịch phù hợp.

 CHỜ ĐÃ !!!

Nếu bạn cảm thấy khó nhớ các mô hình nến và gặp khó khăn trong việc vận dụng các kiến thức giao dịch?
► Mua ngay Bộ Flascard Mô Hình Nến Tăng Giảm Findustry để đơn giản hóa các kiến thức tài chính phức tạp
.

Phương pháp giao dịch với mô hình nến Chặn Đà Giảm

Mô hình nến Chặn đà tăng có độ tin cậy không cao nên các giao dịch với mô hình nến này mang khá nhiều rủi ro. Nhà đầu tư cần có phương pháp giao dịch đúng đắn nhằm quản trị tốt các rủi ro có thể gặp phải.

Chỉ nên thực hiện giao dịch khi mô hình nến đã hoàn thiện. Các lệnh mua được thực hiện khi giá mở cửa ngày thứ tư cao hơn hoặc bằng giá mở cửa của nến thứ ba trong mô hình. Điểm Stoploss sẽ được đặt phía bên dưới đáy mô hình nhằm tránh trường hợp thị trường chiều chỉnh.

Các giao dịch với mô hình nến Chặn đà giảm chỉ nên thực hiện với khối lượng nhỏ. Các giao dịch này nhằm kiểm tra sức mạnh tăng giá và giảm rủi ro thị trường quay lại giảm giá. Các bạn hoàn toàn có thể giao dịch với khối lượng lớn hơn khi có tín hiệu tăng giá rõ ràng từ thị trường.

Giao dịch thực tế với mô hình nến Chặn Đà Giảm

Nhằm giúp bạn đọc hiểu chi tiết hơn về cách giao dịch với mô hình nến Chặn đà giảm, Findustry sẽ tiến hành phân tích giao dịch với mô hình nến này ở cổ phiếu Apple - mã cổ phiếu APPL.

Hình ảnh mô hình nến Chặn đà giảm ở cổ phiếu Apple
Hình ảnh mô hình nến Chặn đà giảm ở cổ phiếu Apple

Đồ thị nến của cổ phiếu Apple cho thấy cổ phiếu này đang trải qua một đợt giảm giá trung hạn. Giá cổ phiếu đã giảm từ đỉnh 46 USD/cổ phiếu xuống vùng giá 41 USD/cổ phiếu - tương đương mức điều chỉnh hơn 10%. Tại vùng giá này, cổ phiếu Apple đã tạo thành mô hình nến Chặn đà giảm.

Ta sẽ tiến hành giao dịch khi mô hình hoàn thành. Tiến hành thực hiện lệnh mua khi giá cổ phiếu cao hơn thân nến thứ ba trong mô hình - vùng giá 41.4 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên sau khi mô hình được hình thành, giá cổ phiếu bắt đầu đi ngang và tích luỹ trong vùng giá 40.3 - 41.4 USD/cổ phiếu. Chúng ta sẽ chờ đợi đến khi thị trường thỏa mãn điều kiện giao dịch đã được lên kế hoạch trước đó. Tuy nhiên vẫn có trường hợp thị trường giảm sau khi mô hình nến Chặn đà giảm hình thành vì vậy không nên nóng vội giao dịch ngay.

Vào ngày thứ tư sau khi mô hình nến hoàn thành, giá cổ phiếu bật tăng trên vùng giá 41.4 USD/cổ phiếu, chúng ta tiến hành mua vào tại vùng giá này với một khối lượng nhỏ. Điểm Stoploss sẽ đặt bên dưới mô hình nến tránh trường hợp thị trường điều chỉnh.

Kể từ điểm vào lệnh theo mô hình nến Chặn đà giảm, cổ phiếu Apple đã tăng giá và tạo đỉnh mới tại vùng giá 48.5 USD/cổ phiếu. Mức lợi nhuận đạt được trong giao dịch này khoảng 17% và sẽ lớn hơn rất nhiều nếu giao dịch trên nền tảng Forex vì nền tảng này cho phép sử dụng đòn bẩy tài chính.

Kết luận

Mô hình nến Descent Block (Chặn Đà Giảm) cho tín hiệu tăng giá với độ tin cậy không cao. Vì vậy khi sử dụng mô hình giao dịch nhà đầu tư cần tuân thủ các quy tắc giao dịch, nên giao dịch với khối lượng nhỏ nhằm quản trị tốt rủi ro. Hi vọng Findustry, qua bài viết này đã giải đáp được phần nào các thắc mắc của các bạn về mô hình nến tăng này. 

INFINITYTRADING.VN